Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, chúng ta thường xuyên phải làm các xét nghiệm. Nhiều nhất trong số đó là xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR. Vậy xét nghiệm PCR hay RT-PCR là gì? Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1 Xét nghiệm PCR là gì?
PCR (Polymerase Chain Reaction) có nghĩa là phản ứng chuỗi polymerase. Đó là một kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện vật chất di truyền từ một sinh vật cụ thể, chẳng hạn như virus. Kỹ thuật này sẽ khuếch đại một lượng nhỏ RNA từ mẫu test thành axit deoxyribonucleic (DNA). Chúng liên tục tạo ra nhiều bản sao cho đến khi có thể phát hiện được sự hiện diện của virus.
Xét nghiệm PCR thường cho kết quả với độ chính xác rất cao. Tuy nhiên nó cũng còn tùy thuộc trình độ của kỹ thuật viên hay hệ thống máy móc.
Còn RT-PCR là gì? RT-PCR và PCR cùng là phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử. Về bản chất, PCR là định tính (chỉ cho biết có sợi ADN của virus hay không, không định lượng được virus. Còn RT-PCR (Reverse Transcription- Polymerase Chain Reaction Phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược) là bán định lượng. Ngoài việc phát hiện sợi DNA, còn xác định tải lượng virus đang có trong cơ thể người bệnh. Xét nghiệm được sử dụng như tiêu chuẩn xác định COVID-19 là RT-PCR. Sau đây chúng ta chỉ gọi chung là PCR cho đơn giản.

2 Những bệnh thường sử dụng xét nghiệm PCR
PCR thường được dùng để chẩn đoán một số bệnh đặc hiệu, liên quan đến các loại virus mà các phương pháp xét nghiệm truyền thống không thể làm được. Cụ thể xét nghiệm sinh học phân tử giúp chẩn đoán chính xác các bệnh như:
- Phát hiện các tác nhân không thể nuôi cấy thường quy: như các virus (viêm gan B, viêm gan C, Dengue, HIV, Herpes, CMV, EBV, HPV, virus SARS, H5N1…), các vi khuẩn (Chlamydia, Legionella, Mycoplasma, Treponema pallidum…).
- Phát hiện các vi khuẩn lậu (Chlamydia, Legionella, Mycoplasma, Treponema pallidum…).
- Phát hiện virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.
- Phát hiện mầm mống của bệnh ung thư (tìm HPV trong ung thư cổ tử cung, phát hiện gen APC trong ung thư đại tràng, gen BRCA1 – BRCA2 trong ung thư vú, gen TPMT trong bệnh bạch cầu trẻ em, gen Rb-105 trong u nguyên bào lưới, gen NF-1,2 trong u xơ thần kinh, gen IgH và TCRy trong u lympho không Hodgkin…)
- Nghiên cứu về hệ kháng nguyên bạch cầu người (HLA, human lymphocyte antigen)…
- Và gần đây nhất như chúng ta biết là xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
3 Xét nghiệm PCR COVID-19 là gì?
Xét nghiệm PCR đối với COVID-19 là một xét nghiệm phân tử phân tích mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên. Nó tìm kiếm vật chất di truyền (axit ribonucleic RNA) của SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ PCR để khuếch đại một lượng nhỏ RNA từ mẫu dịch thành axit deoxyribonucleic (DNA), được sao chép cho đến khi có thể phát hiện được SARS-CoV-2 nếu có.
Xét nghiệm PCR là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán COVID-19 kể từ khi được phép sử dụng vào tháng 2 năm 2020. Các mẫu bệnh phẩm có thể được lấy cho xét nghiệm này bao gồm:
- Mẫu dịch ngoáy mũi
- Mẫu dịch ngoáy họng
- Mẫu dịch nước bọt
4 Sự khác nhau giữa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR
Xét nghiệm nhanh
Hay còn gọi là xét nghiệm kháng nguyên. Xét nghiệm kháng nguyên phát hiện các cấu trúc của một số protein nhất định, được gọi là kháng nguyên virus. Nó hiện diện trên bề mặt của virus COVID-19.
Xét nghiệm được gọi là “Test nhanh” vì cho ra kết quả khá nhanh (khoảng 15-30 phút). Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên có tỷ lệ cho kết quả “âm tính giả” hoặc “dương tính giả” cao và không chính xác như xét nghiệm PCR. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm thêm xét nghiệm PCR. Giúp xác nhận kết quả chuẩn xác hơn nếu có các triệu chứng về hô hấp và có yếu tố dịch tễ.

Xét nghiệm PCR
Hiện là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán nhiễm virus COVID-19 và có ít nguy cơ cho kết quả âm tính giả. Âm tính giả xảy ra khi bệnh nhân nhận được kết quả PCR âm tính mặc dù bệnh nhân đang bị nhiễm virus.
Độ chính xác của xét nghiệm PCR, giống như các xét nghiệm virus khác, phụ thuộc vào các yếu tố như: Kỹ thuật lấy mẫu dịch, Cơ sở y tế thực hiện, Cách bảo quản, Thời gian vận chuyển, Số lượng mẫu xét nghiệm.
Một nhược điểm của xét nghiệm này là kết quả có thể dương tính ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi bệnh. Điều này là do xét nghiệm phát hiện được ngay cả một lượng nhỏ RNA của virus khi bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh trước đó.
Thời gian cho ra kết quả của xét nghiệm PCR thường từ 4~5 tiếng đồng hồ. Lâu hơn nhiều so với xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Vậy là chúng ta đã hiểu sơ lược về các xét nghiệm kháng nguyên và PCR. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, mọi thông tin cần thiết chúng ta nên liên hệ cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ.