Các vết thương ngoài da là những chấn thương chiếm tỉ lệ cao trong các loại thương tật. Thậm chí đó là điều thường xuyên đối với một đứa trẻ hiếu động.
Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu tầm quan trọng của việc sơ cứu hoặc xử lý dứt điểm. Cần giữ cho khu vực chấn thương sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Cách cầm máu và làm thế nào để biết khi nào có thể cần đến sự chăm sóc y tế.
1 Vết cắt hoặc trầy xước
Các vết cắt và vết xước nhỏ có thể được điều trị dễ dàng tại nhà.
- Trước tiên quan trọng nhất là phải rửa vết cắt bằng nước và xà phòng tắm. Không nên dùng nước oxy già để rửa vết thương vì nó sẽ làm tổn thương các tế bào lành dưới lớp da. Làm chậm quá trình lành vết trầy xước.
- Rửa lại vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.
- Băng lại vết thương bằng gạc. Với vết thương nhỏ, chỉ cần băng dán cá nhân cũng được.
- Nếu máu chảy ra, bạn có thể ấn nhẹ vào chỗ đó để cầm máu.
- Nếu máu chảy nhiều hoặc không hết sau khoảng năm phút ấn, bạn nên đưa trẻ đến trạm xá hoặc bệnh viện

2 Vết bầm
Một vết bầm tím xuất hiện khi một chấn thương nào đó làm vỡ các mạch máu nhỏ dưới da gây ra tình trạng xuất huyết. Da của bạn có thể vẫn nguyên lành, nhưng máu không có chỗ để thoát đi. Chúng sẽ tụ tập lại với nhau và hình thành cục máu đông, làm thay đổi màu của bề mặt da vùng bị chấn thương.
2.1 Nhận diện vết bầm
Trong quá trình hồi phục, các phân tử chứa sắt ở trong tế bào hồng cầu, gọi là hemoglobin sẽ bị phân hủy thành các chất đơn giản hơn. Điều này làm cho vết bầm tím dần chuyển màu.

- Màu đỏ ngay sau khi bị chấn thương
- Màu tím, hoặc đen, hoặc xanh sau 1-2 ngày
- Màu vàng hoặc xanh lá sau 5-10 ngày
- Màu vàng nâu hoặc nâu nhạt sau 10-14 ngày
Vết bầm sẽ biến mất sau khoảng 2 tuần
Kinh nghiệm sai lầm của nhiều người là dùng cao nóng, dầu xoa bóp, mật gấu … bôi vào vết bầm tím ngay sau khi bị chấn thương. Các chất này làm giãn mạch và khiến quá trình chảy máu, sưng nề thêm trầm trọng.
2.2 Xử lý khi bị vết bầm
Lấy một ít nước đá trong tủ lạnh, bỏ chúng vào túi nhựa và bọc xung quanh bằng một chiếc khăn rồi chườm lên vùng bị thương. Để túi nước đá ở đó khoảng 15-20 phút, sau đó bỏ ra khoảng 30 phút và lặp lại quy trình.
Hạn chế vận động để vết bầm mau phục hồi. Sau khoảng 2 ngày, hãy đặt một túi chườm ấm lên vùng bầm tím. Sử dụng thuốc giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen nếu bạn cần.
3 Vết thương sâu
Vết thương sâu là trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng hơn như tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Hoặc xảy ra sự cố nào đó mà da của bạn bị dị vật đâm thủng.
Trước tiên cũng giống như trầy xước nhẹ, hãy rửa khu vực xung quanh vết thương thật sạch bằng nước và xà phòng. Tránh để xà phòng vấy vào trong vết thương.
Có thể ấn lên vết thương để cầm máu, rửa tay thật sạch hoặc đeo găng tay khi chăm sóc vết thương.
Băng tạm vết thương để tránh chảy máu khi di chuyển.
Sau đó nên đưa đến cơ sở y tế để khâu lại và có thể tiêm phòng uốn ván để ngăn ngừa nhiễm bệnh.
4 Làm thế nào xử lý vết sưng trên đầu
Một cú va chạm nhẹ vào đầu thường không phải là vấn đề đối với một đứa trẻ. Nếu con bạn bị va vào đầu, không bất tỉnh và xuất hiện một vết bầm nhẹ (hoặc hình trứng ngỗng). Bạn nên chú ý theo dõi con mình và liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu có bất kỳ lo lắng nào. Trường hợp này, thường thì tình trạng sẽ không nghiêm trọng lắm.

4.1 Cách xử lý khi bị vết sưng / vết sưng ở đầu
Bố mẹ hãy ngay lập tức chườm lạnh vùng tổn thương này trong vòng 20 phút, cách 5 phút chườm đá một lần. Bạn hãy kiên trì thực hiện cho đến khi cục bướu này nhỏ đi. Sau khi lành lại, cục bướu có thể sẽ để lại tổ chức vôi hóa bằng hạt đậu dưới da. Bạn hãy tiếp tục chườm lạnh để giảm bớt được tình trạng này.
Ngoài ra có các mẹo có thể làm giảm vết sưng:
- Dùng nước muối sệt xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị sưng. Dung dịch này vừa để sát khuẩn vừa làm giảm các vết sưng phồng và vết thâm tím nhanh chóng.
- Chườm đá lạnh cũng là cách giúp làm giảm những vết bầm tím và sưng phồng. Nhớ bỏ đá vào trong một bọc nylon và bọc bên ngoài bằng khăn nữa.
- Lăn trứng gà luộc còn nóng. Đây là phương pháp dân gian “huyền thoại” mà hầu như các mẹ nào cũng biết rồi. Lăn quả trứng còn nóng lên vùng sưng. Nhiệt của quả trứng sẽ tạo áp suất hút vào trong quả trứng làm giảm sưng.
- Dùng bột cà phê để đắp lên vùng da bị thâm tím rồi dùng băng gạc quấn lại để trong vòng 1 tiếng đồng hồ
4.2 Trường hợp cần cấp cứu:
Tuy nhiên, nếu bị đánh mạnh vào đầu, hoặc bất kỳ va chạm mạnh nào xảy ra, có thể được coi là trường hợp cấp cứu y tế. Bạn cần phải:
Gọi cho bác sĩ tư vấn ngay lập tức nếu con bạn:
- Buồn ngủ bất thường
- Không thể đánh thức sau giấc ngủ
- Buồn nôn
- Than đau đầu
- Có vẻ như bị mất phương hướng hoặc ngơ ngác
Đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng:
- Mất ý thức ngay sau khi bị chấn thương đầu
- Trải qua một cơn động kinh
- Có vẻ như không hợp tác với bạn
- Không thể cử động một phần cơ thể của trẻ
- Có lời nói lắp bắp
- Có nước hoặc máu chảy ra từ tai hoặc mũi của trẻ
- Nếu con bạn bị chấn thương nặng ở đầu, cổ hoặc lưng, đừng di chuyển con bạn. Gọi 115 và chờ dịch vụ chăm sóc đến để đánh giá tình hình và xử lý.